TTCN - Một lần trên “chiếu rượu” ở Hà Nội, có mặt vài tay chơi cây kiểng, tôi tình cờ được nghe một câu chuyện ly kỳ: một nghệ nhân hàng đầu của làng bonsai TP.HCM đã bị kẻ trộm vào vườn đánh cắp mất một cây vạn niên tùng
60 năm tuổi.
Sau nửa năm, nỗi buồn mất cây quí của khổ chủ tưởng đã nguôi ngoai thì lại nhận được tin từ đồng nghiệp ở thủ đô báo rằng có thấy cây đó trong vườn nhà cháu một ông “cốp” to. Người con tức tốc ra Hà Nội, nhờ sự giúp đỡ của công an, đã vào được ngôi biệt thự ấy và lấy lại cây mà gia chủ không dám có một lời phản đối! Vừa nghe xong, tôi ngứa miệng bình phẩm: “Ừ thì cái cây có đáng là bao”. Người kể câu chuyện trợn mắt: “Anh biết tay ấy mua lại bao nhiêu không? 26 triệu đấy! Còn giá trị thật của cái cây ấy không dưới 150 triệu đồng”!
Tôi choáng thật sự và quyết gặp bằng được chủ nhân của nó, đó là hai cha con ông Tư Tịnh (người cha tên là Lê Văn Tịnh và người con là Lê Quang Vinh) - những nghệ nhân khét tiếng trong giới bonsai, mà đến làng hoa Gò Vấp hỏi không ai không biết. Hai cha con cười và xác nhận câu chuyện ấy hoàn toàn có thật, và cây vạn niên tùng mất cắp ấy vừa mới bán cho một đại gia với giá 185 triệu đồng!
Nhưng làm sao lấy lại được cái cây mà không gặp một sự phản ứng nào? Trả lời thắc mắc của tôi, ông Tư bảo: “Cái cây ấy đã từng đoạt giải đặc biệt ở một hội hoa xuân. Nó có lý lịch, được cả làng nghệ nhân bonsai VN biết đến, không thể lẫn vào đâu được”.
Cha - từ chơi thành thật
Gia đình ông Tư Tịnh sống ở làng hoa Gò Vấp từ thời ông cố ông sơ. Như nhiều lão nông khác, niềm vui lúc về già của các bậc cha chú ông Tư là chơi cây kiểng (dạng kiểng cổ, chơi theo thế cây chứ không phải bonsai). Ngay từ bé, loại hình nghệ thuật này đã hớp hồn ông Tư.
Cha con bon sai
Cây si Đài Loan sau khi qua tay của Bình
Sau ngày thống nhất đất nước, gia đình ông sống nhờ nghề trồng rau. Không nói cũng biết, chín miệng ăn (hai vợ chồng và bảy đứa con) đã phải khổ cực thế nào với mảnh vườn 2.000m2. Nghèo thì nghèo, thậm chí bị cán bộ địa phương ngày ấy phê bình mãi vì cái trò bị cho là “tiểu tư sản” này, nhưng thú vui chơi cây cảnh cũng không thể bỏ.
Một ngày năm 1980, nhà hết gạo hết tiền, ông bưng một chậu thiên tuế đến gặp người bạn là Út Tài - chủ vựa cây nổi tiếng trên đường Nguyễn Trãi hiện nay - gửi nhờ bán với hi vọng mong manh. Không ngờ vài ngày sau ông Út Tài báo là bán được, rồi còn hối thúc ông tìm thêm vì ở Hà Nội có người cần cả hàng trăm cây. Vét vườn nhà không đủ, ông xách xe đạp chạy đôn chạy đáo khắp Sài Gòn, thậm chí lặn lội xuống cả miền Tây để thu gom thiên tuế. Đến năm 1990, ông kể chính mình là người tạo ra cơn sốt thiên tuế với cái giá mua loại cây có thân cao 1m trở lên là 50.000 đồng một centimet chiều cao - một cái giá khủng khiếp thời bấy giờ, khi có khách hàng ở Pháp đặt mua đến cả ngàn cây.
Ông bảo không có ngành nghề nào phản ánh đời sống kinh tế - xã hội chính xác bằng cái nghề cây hoa cảnh -mọi người còn nghèo khổ chạy ăn từng bữa thì chẳng ai nghĩ đến hoa cây kiểng. Còn khi ngành này phát triển thì chứng tỏ đời sống đã khá lên rất nhiều. Vì thế, hoa đã bắt đầu được trồng lại, và nó cứ được nâng lên từ từ, với khởi đầu là cúc, vạn thọ cho đến cuối thập niên 1980 là thời thịnh của phong lan mà ông cũng là người đi tiên phong.
Với cảm nhận của một con người tài hoa về nghề, nhạy bén về thị trường, ông vẫn cho rằng bonsai mới là mặt hàng đỉnh cao. Những năm cuối thập niên 1980, ông là người cộng tác với Công ty Atex để xuất khẩu bonsai loại nhỏ (gốc chỉ 3cm) đi thị trường châu Âu, với trung bình mỗi tháng 1.500 cây (mỗi cây 15 USD).
Nhưng, thị trường xuất khẩu bonsai đã nhanh chóng đứng lại vì nguồn cung cấp phần lớn được vét từ thiên nhiên. Nhờ những chuyến đi nước ngoài tham quan, ông bắt đầu nghĩ đến việc nuôi trồng “phôi”. Tậu một miếng đất 7.000m2 ở Củ Chi, cùng với vô số tài liệu nước ngoài mua trong những chuyến đi, ông Tư Tịnh hiện nay trở thành “vua” vạn niên tùng ở VN. Hôm tôi đến thăm vườn, ông đang bán 1.000 cây loại 5 tuổi cho một nghệ nhân ở Tiền Giang, mua về để tiếp tục chăm sóc thành bonsai trong 5 - 10 năm tới.
Điều đáng nể ở nghệ nhân Tư Tịnh không phải chỉ ở sự tài hoa của đôi tay, mà ở khối óc khoáng đạt như một nhà doanh nghiệp trẻ. Vào vườn bonsai của ông trên đường Lê Văn Thọ, phần lớn toàn cây cung cấp cho đại gia với giá chục triệu trở lên. Nhưng các cậu học sinh cấp II, III có máu mê bonsai cũng có thể vào để mua cây 15.000, 20.000 đồng, và cần thì ông cũng hướng dẫn cặn kẽ cách chơi. Ông bảo: “Đó chính là thị trường tương lai”. Hay chuyện bán vạt vạn niên tùng 5 tuổi chỉ với giá 500.000 đồng đến 1,2 triệu/cây, dù chỉ thêm năm năm nữa mỗi cây có giá không dưới 10 triệu đồng, ông giải thích: “Mình không nên ôm khư khư lấy làm gì, cứ bán đi rộng rãi thì thị trường mới phát triển được. Nhiều người sống được thì mình mới sống khỏe”.
Con - rời bục giảng ra vườn
Cha con bon sai
Con - và bonsai
Ông Tư năm nay 62 tuổi, đã bắt đầu tính đến chuyện gác kiếm, khi đã có truyền nhân xứng đáng, đó là cậu con trai thứ Lê Quang Vinh (thường gọi là Bình), một nghệ nhân trẻ nhất trong làng bonsai VN khi chỉ mới 33 tuổi.
Ông Tư có ba người con trai, nhưng chỉ một mình Bình là nối nghiệp cha. Ngay từ hồi 6 - 7 tuổi cậu đã bám sát gót cha để xem uốn nắn cây. Suốt cả một thời cắp sách, có bao nhiêu tiền là Bình trút vào hết cho việc tự đi tìm mua cây về uốn nắn theo ý mình. Cha có ý của cha, con có ý của con; Bình bướng lắm, nhiều lúc muốn phá cách theo ý mình nên không ít lần bị ông cụ giận. Bình vạch đầu cho tôi xem một vết sẹo nho nhỏ và cười bảo: ”Kết quả của một lần cãi ba đấy”! Còn ông Tư thì cười: ”Tôi nóng quá ném cái kéo tỉa cây vào đầu nó, ai ngờ. Nhưng có lẽ cũng chính nhờ hay cãi ấy mà nó được như hôm nay”.
Cả bảy người con, ông đều bắt phải học hành đến nơi đến chốn. Bình cũng vậy, dù thể hiện sự đam mê cháy bỏng bonsai ngay từ nhỏ, nhưng cũng buộc phải học cho ra trò. Xong cấp III, Bình vào Cao đẳng Sư phạm và trở thành thầy dạy toán của Trường Lam Sơn (Gò Vấp). Đứng lớp được sáu năm, anh quyết định giã từ bục giảng để về với bonsai. Có năng khiếu, có được người cha chỉ bảo, cộng với TS đam mê học hỏi (Bình cắp sách đi học thêm quản trị kinh doanh ở Đại học Mở), Bình nhanh chóng nổi lên trong làng nghệ nhân bonsai.
Cha con bon sai
Cây diên tùng 40 tuổi ông Tư Tịnh vừa bán đi Nhật với giá 18.000 USD
Vẫn tiếp tục không hài lòng với những gì đã có, anh lặn lội sang Trung Quốc, Đài Loan - những nơi hiện làm mưa làm gió thị trường bonsai thế giới - để học hỏi thêm phong cách mới. Anh chỉ cho tôi xem một cây si cực đẹp có bộ rễ dài quấn quít lấy một tảng đá san hô và bảo: ”Tôi phải lùng mua nó tận một gia đình cách trung tâm Đài Loan đến 300km. Vốn của cái cây này khoảng 2.000 USD, và có người trả 50 triệu nhưng tôi vẫn chưa bán”.
Bình cũng là người tiên phong nhập mấy chục cây si Đài Loan có bộ rễ rất lạ, chằng chịt quấn quýt nhau thành hình tháp. Tuy nhiên, không phải cứ để nguyên xi thế mà bán được. Phong cách chơi của người VN chỉ chấp nhận được bộ rễ của si Đài Loan, còn tàn thì không. Vì thế anh phải gọt trụi lủi cành tán trước khi cho vào container. Đem về VN, anh bỏ công chăm sóc thêm một năm trời nữa và giờ chỉ còn vỏn vẹn hai cây, dù giá mỗi cây chẳng phải rẻ: 30-40 triệu đồng!
Mỗi sáng, hai cha con chễm chệ lên chiếc Daihatsu 7 chỗ đời mới đi làm. Họ sống nhờ đất như một nông dân thực thụ…
HUY THỌ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét