22 tháng 2, 2011

Chơi quất cảnh ngày Tết dưới góc nhìn phong thuỷ

Quất cảnh là loại cây “Tứ quý”- hoa trái bốn mùa, trong đó mùa đông quả sai nhất. Quất là biểu tượng của thành tựu quanh năm, đơm hoa khởi phát vào mùa xuân. Vì vậy mỗi độ xuân về hầu như mọi nhà đều chưng quất, ước vọng năm mới phát đạt, thịnh vượng.



Tuy nhiên, có lẽ ít người chú ý đến những liên quan của quất cảnh về phương diện phong thuỷ…


Nửa cuối tháng 12 âm lịch năm nay Hà Nội rét đậm kéo dài, đào hiếm, vì thế quất cảnh đã quý lại thêm quý. Mới qua Rằm tháng 12 vài hôm mà người đến vùng quất cảnh Tứ Liên đặt mua đã khá đông. Rét ngặt, người mua “dạo” các vườn quất cảnh vài vòng rồi lại xúm về các quán trà nóng lưu động ngay vườn quất. Chuyện Đại hội Đảng, chuyện tổng kết cơ quan, chuyện thưởng cuối năm, chuyện vật giá leo thang dịp tết… được dịp nở rộ, nhưng tập trung nhất vẫn là chuyện “quất và nghề chơi quất”.

Bên quán trà cạnh vườn quất cảnh của ông Mai (Hoà), hơn chục người đang xúm xít ngồi uống trà, nghe một nghệ nhân cây cảnh tên Long tán “nghề chơi của người xứ đào – quất”: “Đào là giống hoa trấn quỷ trừ tà, dù đẹp hay không thì cũng phải có một cành. Ấy là tránh dữ, đón vận may. Quất cảnh là thành tựu quanh năm, khởi vận đầu năm, phải chọn cây hợp với tuổi mình, phong thuỷ nhà mình mới thực sự là gấm thêu hoa, quý càng thêm quý. Quất nhà ông Mai thường đủ cả Dáng – Thế - Cách; tứ quý, tam đa, ngũ phúc đều có nên năm nào tôi cũng qua sớm để chọn, đặt một cây rồi khi nào đánh về cũng được…”.

Qua câu chuyện của ông Long (nghệ nhân cây cảnh ở Nhật Tân, tuổi ngoại 70) và nhờ có chút hiểu biết về phong thuỷ, cổ học tôi mới chợt nhận ra rằng người Hà Nội, nhất là người làng nghề hoa, cây cảnh tinh diệu lắm lắm.

Người mệnh kim chơi quất cảnh tán tròn, ngọn như ngọn tháp là “lưỡng kim đới hoả - hao tán”, nếu gặp hành niên thuộc mộc thì càng hao tán. Người Tàu gọi quất là “Kim quất”, quất là loài thảo mộc đương nhiên thuộc mộc nhưng hoa trắng thuộc kim, quả vàng thuộc thổ, lá xanh thẫm như màu nước biển thuộc thuỷ.

Quất thuộc mộc nên mộc vượng sinh hoả, lá nhọn và dáng ngọn cây nhọn đều thuộc hoả. Có thể nói loại cây này hội đủ ngũ hành và ngũ hành đều vượng, biểu lộ ra ngoài nên mới có thể kết đủ bốn mùa hoa trái.

Quả quất sai trĩu vào mùa đông là mùa thuỷ vượng, mà thuỷ đại biểu cho tài lộc. Thuỷ vượng sinh mộc cho nên cuối đông đầu xuân thì quất đơm hoa. Mộc là biểu tượng của sinh khí, sinh khí đơm hoa. Do đó dân gian nói rằng quất là biểu tượng của thành tựu và khởi phát, biểu tượng của tài lộc và sinh khí.

Vườn quất nhà ông Mai (Hoà) năm nào cũng có trên nghìn cây. Ông Long bảo nó khác với các vườn quất khác là ở chỗ dáng – thế - cách đa dạng, phù hợp với ngũ hành sinh vượng; không giống các vườn thuần tán tròn, ngọn hình tháp hoặc cây lớn phân tán như si, sanh; hoặc trồng tự nhiên không cắt tỉa.

“Cho nên những người kỹ tính như chúng tôi thường đến vườn ông Hoà, đến là thấy ngay cây hợp ý mình” – ông Long nói rồi đưa mắt nhìn về phía xa, nơi gia chủ (ông Mai) còn đang bận đánh cây quất “Hùng kê báo hiểu” (Gà gáy mừng ngày mới) cho khách.

Có người cho rằng cây có 3 cành lớn, 3 tán hoặc đủ hoa – quả - lộc, hoặc đủ quả xanh – quả chín và hoa là “quất Tam Đa”. Thực tế không hoàn toàn như vậy. Những tiêu chí nêu trên thông thường đều có thể tạo ra tương đối dễ dàng.

Cây quất đẹp và giá trị cao là ở kỹ thuật chăm sóc đặc biệt, đạt các yêu cầu: Gốc cây mập khoẻ, vỏ thân cây dày dặn, lá cây xanh thẫm như được đúc bằng nhựa, vỏ trái quất dày và căng mọng... Muốn có cây như vậy thì công phu và kỹ thuật chăm sóc lớn lắm. Đủ các tiêu chí này, cây quất có thể bày chơi cả tháng trời mà vẫn tràn căng sức sống, nhiều cây tiếp tục đơm hoa phát lộc.

Ngược lại, vỏ cây mỏng, lá và vỏ trái mỏng là cây không được chăm sóc tốt, đánh khỏi vườn một hai hôm là rủ lộc, dáng cây buồn thiu, chăm tưới thế nào cũng không bật lên được; còn như những cây lá vàng, vỏ thân vỏ quả kiểu “khô chân gân mặt” thì đánh ra khỏi vườn là héo.

Vì thế nói tam đa là yêu cầu đa sức (tràn căng nhựa sống), đa lộc (nhiều lộc) và đa quả (nhiều quả); thông thường người ta cứ nghe nói “tam là ba” rồi lấy số 3 mà tạo dáng, không hiểu cái thâm ý của người xưa. Trong cổ học phương Đông, “Tam” gắn với rất nhiều quan niệm, tín ngưỡng, như: Tam bảo, tam thế, tam thân, tam đại, tam sinh, tam tài… Tam đa vừa gắn với mơ ước nhiều phúc đức, nhiều tài lộc, trường thọ; vừa ngầm ý đánh giá công chăm sóc và tài nghệ của người trồng quất.

Một góc vườn quất cảnh nhà ông Mai - Hoà

Ông Long khẳng định: Quất nhà ông Mai dáng thế tự nhiên nhưng ẩn chứa sự tác động của con người, không tạo dáng thô theo cách trói cây buộc cành. Nhưng điều quan trọng nhất là cây nào cũng hội đủ “Tam đa”, bởi vậy người chơi tinh năm nào cũng đến vườn ông Mai tìm quất từ sau rằm, chơi từ 23 tết cúng ông Táo cho đến ngoài Rằm mới “hoàn cây trả gốc”.

Đầu năm mua cây đào cây quất, mang sinh khí về nhà, hy vọng một năm mới an khang thịnh vượng, cũng nên thận trọng lựa chọn; bởi chẳng may sơ ý chọn phải cây chóng héo, dù không duy tâm cũng kém vui. Quất đào dâng lộc, làm cho cả gia đình tràn căng sức sống, phới phới xuân phong.

Theo phongthuy.net.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét