23 tháng 2, 2011

Bonsai sharimiki vào hội hoa xuân Sài Gòn

SGTT.VN - Trong những loại hoa, lan, kiểng, bonsai từ Đà Lạt đưa về hội hoa xuân Tân Mão 2011 ở công viên văn hoá Tao Đàn (TP.HCM) từ ngày 28.1 (25 tháng chạp âm lịch) đến 8.2 (mùng sáu tết), có sự góp mặt đặc biệt của khoảng 20 chậu sharimiki của hai nghệ nhân Trần Quốc Linh và Bùi Đình Thảo.
Bonsai sharimiki vào hội hoa xuân Sài Gòn
Ảnh:


Theo những nghệ nhân bonsai, sharimiki xuất phát từ Nhật Bản từ thế kỷ 17, xưa kia khá thịnh, hiện tại hiếm vì khó tìm được những thân cây già cỗi có những đường cong cuộn vào nhau. Theo thời gian bị gió mưa tàn phá, một phần thân cây đã chết, nhưng phần còn lại vẫn sống và đâm chồi ra lá. Chỗ thân, cành chết, lớp vỏ cây khô bong tróc ra, lộ lõi gỗ trắng. Những vết thương màu trắng phối hợp với màu xanh cành lá mọc ra từ phần cây sống, đã làm cho thân cây già cỗi thêm sống động. Người ta không phơi thân cây dạng này ngoài tự nhiên để lõi gỗ đổi màu, mà dùng bột vôi lưu huỳnh pha với ít mực phết vào những vết gỗ lõm. Cách làm này tạo nên nét độc đáo của bonsai sharimiki.

Từ bảo vệ, tôn tạo dáng vẻ nguyên sơ của những gốc cây già bị tự nhiên tàn phá, những nghệ nhân đã nghiên cứu kỹ thuật tạo ra tuổi tác cho cây theo phong cách sharimiki. Hình thù nhân tạo có giá trị hay không ở chỗ phải làm sao cho vết thương trên cây trông thật tự nhiên, chưa kể phải tìm được thân của những cây lá nhỏ, có thân chắc, tốt nhất là cây lá kim (tùng, trắc bá diệp, liễu) đủ tuổi già, bị biến đổi về hình dạng bên ngoài, bị khuyết một phần thân mới thực hiện được. Khó, nên nghệ nhân sharimiki cũng hiếm.

Phong trào chơi sharimiki ở Đà Lạt bắt đầu từ ông Nguyễn Ngọc Ái, một nghệ nhân bonsai và tiểu cảnh. Còn anh Thảo, hồi học đại học đã say mê cây sharimiki và là học trò ông Ái và ông Linh. Anh Thảo triết lý về cái đẹp của sharimiki: “Tuy cây bị hư một phần nhưng nó vẫn sống, phần chết lại che chở cho phần sống. Giống như con người, muốn đạt mục đích nào đó, có khi cần phải biết từ bỏ, hy sinh những lợi ích nhỏ hơn, không tính toán. Để sống buộc phải biến đổi”.

Anh Thảo đã đưa những cây sharimiki ra Hà Nội trưng bày hồi tháng 10.2010 và tham dự lễ hội sinh vật cảnh ở Đồng Tháp vào tháng 12.2010, nhiều người rất thích. Một người ở Hà Nội đã trả một cây trắc bá diệp sharimiki 400 triệu đồng. Trong hội hoa xuân ở công viên Tao Đàn sắp tới, ông Linh và anh Thảo sẽ có những cây sharimiki được tạo từ trắc bá diệp, tùng búp, liễu, giá cao nhất 500 triệu đồng là cây trắc bách diệp có gốc cả trăm tuổi, cây giá thấp nhất 30 triệu đồng.

Anh Thảo cho biết, người mua sẽ được hướng dẫn cách chăm sóc cây để phần vỏ cây sống ngày càng đẹp, phần gỗ khuyết không bị sâu, nấm mốc làm ảnh hưởng phần sống.
Theo sgtt.com.vn

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét