22 tháng 2, 2011

Triệu phú bonsai

- Từng là một ông chủ trang trại nổi tiếng với mô hình VAC rồi trở thành một tay cờ bạc nổi tiếng trên đất Chí Linh. Tưởng chừng như cuộc đời anh đã đặt dấu chấm hết. Nhưng bằng ý chí và nghị lực phi thường, anh Nguyễn Văn Uy, thôn Thạch Thủy, thị trấn Phả Lại, Chí Linh, Hải Dương, đã vươn lên trở thành triệu phú bonsai.
Hai vợ chồng đang chăm sóc cây
Trắng tay vì cờ bạc
Chúng tôi tìm về thôn Thạch Thủy, thị trấn Phả Lại vào một buổi sáng khi những cơn mưa phùn trái mùa vẫn rơi rả rích. Thấy có khách tới thăm, anh và vợ của mình ra tận ngoài cổng đón, nhâm nhi chén trà anh kể về những thăng trầm của đời mình.
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông, lao động cật lực, quanh năm vẫn thiếu đói, từ nhỏ đã nuôi cho anh ý chí làm giàu. Năm 1985, khi phục viên anh lập gia đình với chị Ngô Thị Ngọc. “Quanh năm chỉ bám vào 3 sào lúa, không thể khá lên được, bạn bè rủ rê, bảo có cách này hay lắm, không cần lội ruộng mà vẫn có nhiều tiền và từ đây bao nhiêu tài sản trong nhà đều khăn gói ra đi” - anh Uy tâm sự. 
Bất chấp sự can ngăn của vợ và người thân anh chạy vay khắp nơi để cá cược, với hy vọng sẽ gỡ lại vốn, nhưng càng đánh càng thua. Chốc lát ngoảnh lại trên mình chỉ còn tấm thân gầy với chiếc áo phông rách khoác trên vai.
Nhiều Cúp và Bằng khen được Hội Sinh vật cảnh trao tặng
“Thương chồng, tôi đã dùng chiếc nhẫn cưới, tài sản còn lại duy nhất trong nhà đem đi cầm cố để trả nợ nhưng số tiền mọn vài triệu bạc không thấm vào đâu, không còn cách nào khác hai vợ chồng bàn tính đi làm thuê để trả dần” - chị Ngọc kể trong nước mắt.
Sau hai năm lao động cật lực, cả hai vợ chồng đã trả vơi đi số nợ và nhờ sự giúp đỡ của người thân, anh đã mua lại được trang trại của một người bạn hơn 1ha với trên 30 loại cây, trong đó có hàng trăm gốc vải thiều đang trong độ thu hoạch. Nhưng “ngựa quen đường cũ” anh quay lại con đường cờ bạc. “Khi tôi đang nấu cơm trong nhà thấy có người tới cắm dây đo trang trại, lúc đó mới biết anh ấy đã đem công sức bao nhiêu năm đổ xuống sông, xuống biển” - chị Ngọc cho biết.
Đổi đời nhờ cây
Sau khi tình cờ đọc được một tờ báo, giới thiệu về một mô hình trồng cây cảnh, từ đó mỗi khi đi làm thuê ở đâu anh cũng lân la hỏi người ta chăm sóc cây như thế nào. Anh Uy cho biết. “Có lần nghe ở Nam Định có nhiều người làm nghề này rất thành công, tôi quyết định bắt xe xuống tận nơi để “mục sở thị”. Quả thật tôi không thể tin vào mắt mình, nhờ nghề này cuộc sống không kém gì dân ở thành thị”. Vốn thông minh, chỉ nhìn qua cách họ làm là anh có thể làm tạo được nhiều cây có thế rất “độc”. Làm nghề này ban đầu cần một số vốn tương đối, trong khi gia cảnh lại rất khó khăn, với số tiền ít ỏi tích cóp của hai vợ chồng, anh đi đến tận những vùng có đồi núi, ở các bản làng, để thu mua cho rẻ, sau đó về tạo dáng. Nhờ bàn tay khéo léo, những cây tưởng chừng như bỏ đi qua bàn tay anh “nhào nặn” đã có hình thù đẹp mắt, rất nhiều khách đến thăm và mua cây, số tiền tích cóp ban đầu anh tiếp tục đầu tư mua những cây giá trị hơn về tạo dáng.
Đến nơi nào anh cũng dò hỏi để thu mua cây. “Có chuyến lên Lạng Sơn thăm một người bạn tôi đã mua được cây si “độc” hình thù rất kỳ lạ, đem về tận Chí Linh, tôi lại “chế” thành hình thù đẹp hơn, vừa rồi có khách từ Hà Nội về xem và trả giá hơn 300 triệu đồng nhưng tôi không bán”. 
Năm 2007 là năm đánh dấu chặng đường khó khăn nhất trong hành trình chinh phục cây cảnh của anh Uy, khi một loạt cây trong chậu có biểu hiện vàng lá, thân bị mốc trắng, một thời gian sau thì chết, ước tính thiệt hại hàng trăm triệu đồng. “Qua tìm hiểu mới biết nguyên nhân là cây bị bệnh muội (do một loại nấm) và bệnh vàng lá dẫn đến cây chết” - anh Uy chia sẻ.
Sau lần thất bại, đúc kết được nhiều kinh nghiệm bổ ích trong việc chăm sóc cây, anh mạnh dạn đầu tư nhiều loại cây khác có giá trị cao. Mặc dù trong khoảnh vườn chưa đầy 3 sào, nhưng có trên 30 loại cây khác nhau, với hơn 1.000 cây, mỗi năm số tiền thu được từ cây cảnh lên đến hàng trăm triệu đồng.
Thấy anh Uy “đổi đời” nhờ cây cảnh, rất nhiều người trong thôn ngoài xã đến học tập, anh sẵn sàng giúp đỡ, chia sẻ kinh nghiệm. Hiện nay trên địa bàn thị trấn, nhờ sự giúp đỡ của anh Nguyễn Văn Uy mà nhiều hộ ở các xã lân cận đang theo nghề này và đều có thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm. 
Hiện nay trong vườn đang có hai cây rất đặc biệt, đó là cây Cần Thăng có hình ngôi chùa, hình thác đổ và cây si có bộ rễ như thế Hoàng thành, hai cây này có khách trả cả trăm triệu đồng, nhưng anh không bán, theo dự định, trong cuộc triễn lãm sinh vật cảnh chào mừng Đại lễ nghìn năm Thăng Long - Hà Nội anh sẽ cho ra mắt bộ cây này.
Văn Phạm
Nguồn: An Ninh Thủ Đô

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét