25 tháng 5, 2011

Bonsai Minh Tân


Bonsai (Tiếng Nhật: 盆栽; Tiếng Hán Việt: Bồn tài, nghĩa là "cây trồng trong chậu") là loại cây cảnh nhỏ có dáng cổ thụ trồng trong chậu kiểng.


Thật vậy, việc tìm về với thiên nhiên cây cỏ không chỉ mang ý nghĩa đơn thuần là đem cái đẹp nghệ thuật vào nhà mình mà còn đáp ứng nhu cầu tâm linh thiết yếu, đại diện cho phong cách sống cao cấp của con người hiện đại ngày nay.

Bonsai Minh Tân với đội ngũ nghệ nhân nhiệt huyết, đam mê nghệ thuật, ngày ngày cùng nhau cùng nhau tạo ra những dòng sản phẩm Bonsai cao cấp ôm ấp dáng thế của người Mẹ thiên nhiên thu nhỏ, nguyện cầu giúp đem lại cảm xúc thanh thoát, định tâm khi được sở hữu – đắm mình với những chậu cây Bonsai hài hoà cùng tâm trí sau những giờ làm việc căng thẳng của cuộc sống thường nhật.

Bonsai Minh Tân Garden được thành lập vào đầu năm 1996 tại đường Cây Da, ấp Cây Da, xã Tân Phú Trung, Củ Chi, Tp. HCM bởi nghệ nhân Trịnh Minh Tân. Trải qua hơn 15 năm thăng trầm, Minh Tân Garden ngày nay là một trong những địa chỉ mà những người sành cây cảnh trong cả nước đều biết đến.

Với muôn ngàn chủng loại cây cảnh nhiệt đới đặc sắc trong khuông viên gần 70.000m2, số lượng chủng loại cây được trồng trong trang trại đến nay đã vào khoảng 800 loài thuộc 120 họ, là minh chứng sinh động về sự phong phú đa dạng của thiên nhiên dưới bàn tay chăm sóc của con người.

Trong đó, chủ yếu là các loại cây nhiệt đới như Cây công trình, Cây nội thất, Phong lan, Quấc cảnh Minh Tân, Bonsai, Các loại cá Hải Tượng nặng hàng trăm kg một con cùng các loại chim, thú khác:

- Cây công trình gồm: Cau Vua, Cau Champagne, Cau Bụng Pháp, Cau Bụng Đài Loan, Cau Đuôi chồn, Cau Đỏ, Cau Nhật, Cau Vàng, Nga Mi, Cọ Dầu.
- Cây nội thất như: Trúc Quân tử, Trúc mây Đài Loan, Trúc đùi ếch, Trúc xanh, Đại Phú.
- Trầu Bà Đế Vương, cây Thần kỳ và một số loài Phong lan cắt cành
- Khu trưng bày Bonsai cao cấp, thành phẩm rộng 10.000m2 với nhiều chủng loại đặc sắc như Vạn NIên Tùng, Cây Sanh, Si, Gừa, Sộp, Cần Thăng, Kim Quýt, Mai Chiếu Thủy, Nguyệt Quới..v.v..
- Đặc biệt để phục vụ cho thị trường Tết nguyên đán hàng năm trang trại nuôi trồng với số lượng khoảng 2.000cây Quất cảnh (Tắc) /năm để trang trí và đón lộc ngày xuân cho khách hàng.



- Ngoài ra, trang trại Hoa Cảnh Minh Tân còn mở các lớp ngắn hạn (khoảng 4 lớp/năm) do Nghệ Nhân Bonsai Trịnh Minh Tân trực tiếp đứng ra hướng dẫn và chia sẽ kiến thức về:
+ Kỹ thuật nuôi trồng và tạo dáng Bonsai
+ Phương pháp phối hợp tiểu cảnh cho nhà phố
+ Thiết kế cảnh quan, sân vườn, thác nước.
+ Các phương pháp tổ chức kinh doanh cửa hàng hoa cảnh.

+ Cửa hàng: Số 18 Bắc Hải (nối dài) P. 6, Q. 10, Tp. HCM. (Ngã 3: Thành Thái + Bắc Hải).
+ Trang trại: Số 11-15, Đường Cây Da, Ấp Cây Da, Xã Tân Phú Trung, Củ Chi, Tp.HCM.

* Website: BonsaiMinhTan.Com - Email: bonsaiminhtan@yahoo.com
- Đặt mua các chủng loại cây nội thất, cây công trình: * Call: 090909 6767 Ms Uyên - 0903 970 447 Ms Tươi
- Dịch vụ thiết kế thi công sân vườn, cảnh quan: * Call:  0934 111 007 Mr Bình - 0936 066 447 Ms Thảo
- Đăng ký tham quan trang trại Bonsai Minh Tân: * Call: 0903 729 934 Mr. Tân - 0979.272.889 Mr. Tuyên

Trân trọng!

12 tháng 4, 2011

Nghệ thuật bonsai và xe hơi

- Dưới bàn tay tài hoa của nghệ sỹ John Rooney ở Boston (Mỹ), hình ảnh chiếc ô tô móp méo do va chạm đã hiện lên như những tác phẩm nghệ thuật. Không rõ ai sẽ là người bỏ tiền mua mô hình “tai nạn” thu nhỏ này.

Những chiếc xe méo mó được tạo hình theo tỷ lệ từ 1:37 đến 1:18, bên cạnh những cây bonsai được cắt tỉa cẩn thận. Từng mẫu xe được chế tạo trau chuốt đến từng chi tiết, không hề tạo cảm giác giả tạo. Cũng lốp nổ tung, kính xe rạn vỡ hình mạng nhện và sơn bị xước, tất cả đều.... như thật!



























Giá của mỗi sản phẩm này dao động từ 50 đến 150 USD - khá đắt so với giá ô tô đồ chơi nhưng lại là rẻ nếu coi đó là một tác phẩm nghệ thuật.

Tuy nhiên, những mô hình này có lẽ chỉ thích hợp với văn hoá phương Tây, thậm chí có thể dùng làm quà tặng trong các dịp lễ. Còn với người Á đông, sản phẩm loại này dễ bị coi là đem đến sự xui xẻo (BTV).

TuyenBonsai
Theo CrashBonsai

4 tháng 4, 2011

Cây cảnh trong thiết kế sân vườn


Xu hướng hiện nay ai cũng mong muốn được gần gũii với thiên nhiên, những muốn tìm cho mình sự nhẹ nhõm, thanh thoát sau những áp lực của cuộc sống thường nhật. Ðiều này tạo nên phong trào tạo dựng sân vườn trong khuôn viên nhà mình. Những khu vườn nước ngày càng được ưa chuộng trong các ngôi nhà hiện đại. Một góc vườn, cầu thang hay góc nhà... có thể đem lại màu xanh, tạo không gian thư giãn tinh tế.

Việc này không hề bị bó buộc dù chủ nhân có một ngôi nhà rộng cho cả một khu thủy tạ, hay ta chỉ có một góc sân. Trong khung cảnh nào cũng có thể tạo một dòng suối nhỏ hay một am nước xinh xinh. Nơi đó có những loài cây thủy cảnh rất dễ trồng và chăm sóc. Ngoài cây cỏ, còn có thể đặt vào am những vòi phun nước, những bức tượng, những chiếc tháp trang trí. Trong am những chú cá cảnh nhởn nhơ bơi lặn.


Hồ nước hay bể cá, non bộ trước nhà còn là điểm tụ thủy và tiểu cảnh rất được ưa dùng trong nhà ờ sân vườn. Khi sắp xếp cây bon sai - non bộ thường tuân thủ theo các thế truyền thống (Tam Ða, Tứ linh, Ngũ hành, Phụ Tử) vì đây là biểu tượng vũ trụ quan thu nhỏ của triết học Ðông phương chứ không đơn thuần là trang trí. Nước trong non bộ nên là nước động để kích hoạt nguồn khí, có thể chảy róc rách, thác đổ hay bể tràn tùy theo đặc tính, chủ đề non bộ hoặc tính cách gia chủ.

Ðối với nhà phố hay chung cư, diện tích và khoảng trống thường không đủ để làm am nước và trồng cây lớn mà việc đặt non bộ trong nhà còn gây ẩm thấp. Vì thế chỉ nên dùng bể cá có cây tiểu cảnh loại nhỏ.

Còn am nước trong sân vườn cần có khu đất tương đối rộng, ít nhất là 2m x 1m, sâu 0,8 - 1,2 m. Vị trí bạn chọn nên ở nơi dễ dàng ngắm cảnh từ cửa sổ, ban công, phòng khách... Những cơn mưa sẽ làm giúp bạn nhiệm vụ thay nước, nhưng mỗi năm ít nhất 2 - 3 lần bạn cũng nên rút hết nước cũ, làm sạch lòng ao và xả nước mới. Những loại cây thích hợp trồng chung quanh ao: thủy trúc, chuối cảnh, cẩm tú mai, dừa cảnh... Trong am nên trồng hoa súng là loài cây dễ sống, có hoa và những chiếc lá xoè rộng trên mặt nước.

Trong nhà rộng bạn có thể bố trí ở một góc phòng khách, chân cầu thang... "tổ hợp" sơn - thủy trong nhà như một ít đá cuội, một máng gỗ chứa nước và mấy nhành thảo mộc tạo nên dòng suối nhân tạo để bạn nhìn ngắm suy tư.

Những điều trên, chúng ta đã từng có dịp nói đến, nhưng ở đây còn chuyện muốn nói thêm, cho dù đây là một đề tài mà bạn có thể tin hoặc không. Ðó là những câu chuyên mà từ thời xa xưa các cụ đã bàn luận, đã đúc rút truyền miệng lại. Ðó là phong thuỷ, mà ở đây là sự phối hợp cây xanh, mặt nước, công trình.

Dân gian có nói: Thủy sinh Mộc, cây không thể sống và phát triển tốt nếu thiếu nước. Trong bố trí cây xanh cho Dương trạch, cần phải xem cây xanh và mặt nước là hai yếu tố không thể tách rời, bổ sung, tương hỗ cho nhau. Cây là Dương, đón nhận ánh sáng gọi là Dương quang và hút nước từ đất (Âm thủy) do đó nhìn cây xem mạch đất chính là nhờ sự liên hệ Thủy Mộc tương sinh. Trong nhà ở truyền thống bố cục cây xanh - mặt nước - công trình theo phong thủy là từ cổng vào sân trước có hồ nước (hoặc ao sen) nằm về phía nam khu đất, tức là đầu hướng gió mát để đưa hơi nước lan tỏa trong sân nhà. Cây xanh kề cận mặt nước thường là cây thấp (vườn rau, vườn hoa) hoặc cây thân cao không rụng lá (cau, dừa) .



Trong điều kiện nhà ở hiện đại, nếu có diện tích đất (nhà vườn, biệt thự) thì nên căn cứ theo vùng Âm Dương trong và ngoài nhà để bố cục cây trồng và mặt nước. Ðể cân bằng Âm Dương ta có thể bổ sung các yếu tố khiếm khuyết của nhà nhờ vào mặt nước và cây xanh. Thông thường khi nhà có nhiều nét thẳng vuông thì cây xanh, mặt nước nên uốn lượn mềm mại. Nếu nhà dạng khối lập phương và phẳng (tính Âm) thì cây nên theo dạng khối cầu và tròn (tính Dương).

Về màu sắc cũng vậy, màu lá cây nên hài hòa Âm Dương với màu sắc ngôi nhà, ví dụ cây lá sẫm nổi bật bên nhà màu sáng, hay nhà vốn sậm màu thì nên bổ sung cây lá sáng để cân bằng lại. Trong trường hợp cây cối rậm rạp tạo nên nhiều mảng tối thì vào ban đêm cần bổ sung đèn chiếu sáng, đèn pha sân vườn để giảm bớt tính âm.

Theo: cuocsongviet

20 tháng 3, 2011

Quá trình tiếp cận sự giàu có

Hãy từng bước học quá trình vươn tới sự giàu có và sử dụng Luật hấp dẫn

Luật hấp dẫn hoạt động không ngừng, vào tất cả mọi thời điểm, mọi giây mọi phút trong cuộc sống của bạn, một khi bạn vẫn tỉnh táo suy nghĩ.
Ở bài 1 và bài 2, chúng ta đã thảo luận về Luật hấp dẫn. Ở bài 3, chúng tôi hướng dẫn các bạn cách kiểm soát suy nghĩ nhằm giúp bạn chỉ tập trung vào những thứ bạn mong muốn và tránh “dính líu” vào những thứ không muốn. Ở bài 4, chúng tôi chỉ cho các bạn cách xác định rõ ràng các mục tiêu.
Tiếp theo là gì?
Sau khi xác định được điều bạn muốn có trong cuộc sống, bạn chỉ cố gắng suy nghĩ tích cực và chờ đợi một ngày nào đó phép lạ sẽ xảy ra?
Biết được điều mình muốn là bước đầu tiên và quan trọng - nhưng đường về đích vẫn còn dài.
Trong bài học này, chúng tôi sẽ giới thiệu tới các bạn một quá trình cụ thể, tỉ mỉ mà bạn có thể vận dụng trong cuộc sống, giúp bạn đạt được thứ mình muốn một cách nhanh chóng hơn, suôn sẻ hơn và dễ dàng hơn.
Quá trình này được truyền dạy bởi rất nhiều chuyên gia, diễn nổi tiếng trên thế giới trong vòng hơn 100 năm qua - trong đó có Wallace Wattles, Napoleon Hill, Jose Silva, Abraham-Hicks, gần đây nhất là Bob Proctor.
Napoleon Hill là người đầu tiên nỗ lực xác định rõ quá trình này. Được sự giúp đỡ của Andrew Carnegie – người giàu nhất thế giới thời đó, Hill đã tiến hành các cuộc phỏng vấn và khảo sát cuộc sống của 500 nhà tư tưởng, doanh nhân và những nhân vật có tầm ảnh hưởng lớn lao trong thời đại của ông. Ông đã ghi chép tỉ mỉ những phát hiện của mình trong cuốn sách “Think and Grow Rich” (Nghĩ giàu & Làm giàu).
Hill viết:
“Nếu bạn tin rằng, chăm chỉ làm việc và trung thực thôi đã có thể mang lại sự giàu có, thì hãy bỏ ngay suy nghĩ đó đi! Không đúng như vây! Giàu có đòi hỏi rất nhiều yếu tố. Nó không bao giờ là kết quả của sự chăm chỉ lao động đơn thuần. Giàu có đến, khi đáp ứng được những yêu cầu nhất định, nhờ vào việc áp dụng những nguyên tắc nhất định. Giàu có không đến một cách ngẫu nhiên hay nhờ vào sự may mắn”. - Napoleon Hill, Think and Grow Rich
Trong bài học này, chúng tôi xin được phát triển và mở rộng dựa trên tư tưởng của Hill. Chúng tôi cũng sẽ tổng kết một số ý tưởng và lý luận mới của các diễn giả, nhà nghiên cứu sau thời của Napoleon Hill. Chúng tôi sẽ chỉ cho các bạn thấy một quá trình mà bạn có thể vận dụng vào cuộc sống để vươn tới sự giàu có.
Quá trình này bao gồm 4 bước:
  • Biết thứ mình muốn
  • Suy ngẫm
  • Mường tượng sáng tạo
  • Hành động dứt khoát

Tiến hành

Bước 1: Biết cái mình muốn
Bước đầu tiên và quan trọng nhất của quá trình chính là BIẾT cái bạn muốn là gì. Thật ngạc nhiên là rất nhiều người trong số chúng ta vẫn sống mà không đặt ra một mục tiêu cụ thể, rõ ràng nào.
Trong bài học thứ 3, chúng tôi đã đề cập tới vấn đề này. Nếu như bạn chưa hiểu đầy đủ về bước 1 của quá trình, hãy đọc lại bài học số 3.
Bước 2: Suy ngẫm
Khi bạn đã xác định chắc chắn các mục tiêu, hãy viết chúng ra. Sau đó, hãy dành thời gian mỗi ngày, khoảng 5-15 phút liên tục không làm gì cả ngoài việc tập trung vào các mục tiêu mà bạn đã đặt ra.
Thời gian tốt nhất để làm việc này là vào buổi sáng, khi bạn vừa thức dậy. Nằm trên gường hay chiếc ghế dài thoải mái và tập trung vào các mục tiêu.
Đừng chăm chăm nghĩ tới hai từ “suy ngẫm” và ép mình phải làm như vậy. Hãy thư giãn một cách tự nhiên để có thể “kết nối” với suy nghĩ trong tiềm thức.
Khi đạt được trạng thái tốt nhất, hãy nghĩ về những mục tiêu của mình. Đó có thể là sức khỏe, tiền tài, sự đóng góp cho xã hội - bất cứ thứ gì làm bạn hứng thú.
Nếu tới tận bây giờ, bạn vẫn chưa biết mình muốn gì, đừng lo lắng - trạng thái suy ngẫm có thể là thời gian hoàn hảo để phản ánh và nhận biết cái bạn thực sự ao ước. Kết quả nghiên cứu chỉ rằng, con người thường trở nên sáng tạo hơn và nhạy cảm hơn khi họ bình tâm suy ngẫm. Hãy sử dụng khoảng thời gian này để suy nghĩ một cách sáng tạo những gì bạn muốn làm trong cuộc sống này.
Bước 3: Mường tượng cái bạn muốn
Khi vẫn còn đang ở trong trạng thái suy ngẫm, hãy hình dung ra cảnh tượng khi bạn đạt được những gì mình theo đuổi, khao khát.
Ví dụ, nếu bạn đang mong mỏi chuyển tới một ngôi nhà to đẹp hơn, hãy tượng tượng bạn đang ở trong ngôi nhà đó. Hãy tự vẽ ra cảnh tượng, gia đình bạn và nhóm bạn bè đang ngồi ăn tối trong nhà bếp rộng rãi, chơi đùa với con trẻ ở phòng khách tiện nghi, dạo chơi trong khu vườn đầy hoa trái…
Có rất nhiều cách thức mường tượng. Nhưng, cách mà các bạn đang thực hiện gọi là “mường tượng sáng tạo”. Đó là sự sáng tạo trong cảm giác về những điều mà bạn ao ước, thích thú.
Sử dụng các giác quan
Làm cho các hình ảnh tưởng tượng của bạn trở nên rõ ràng, sinh động, giàu màu sắc là rất quan trọng. Sự mường tượng càng sống động bao nhiêu, kết quả sẽ càng tốt bấy nhiêu. Một số người có thể gặp khó khăn khi mường tượng. Thế nhưng, đừng lo lắng – bởi điều đó cho thấy, giác quan thế mạnh của bạn không phải là thị giác, mà có thể là vị giác, xúc giác, hoặc thính giác. Cảm nhận được hơi ấm từ lò sưởi, nghe âm thanh con trẻ chơi đùa ở bể bơi, ngửi thấy mùi thơm hấp dẫn từ nhà bếp mới…. Càng nhiều cảm giác bạn đưa vào trong tưởng tưởng, hiệu quả sẽ càng cao.
Vận dụng cảm xúc
Bạn còn nhớ phương trình dưới đây?
Cảm xúc làm tăng sức mạnh của lực hấp dẫn. Khi mường tượng về cuộc sống mà bạn muốn, hãy cảm nhận niềm vui, niềm hạnh phúc và sự hứng thú do hình ảnh ấy mang lại.
Cảm xúc của bạn càng dạt dào, mãnh liệt bao nhiêu – bạn lại càng nhanh chóng đạt được thứ mình muốn bấy nhiêu.
Để mang thật nhiều cảm xúc vào quá trình mường tượng – hãy hình thành cảm xúc khi đạt được cái mình muốn BÂY GIỜ. Nói cách khác, khi bạn nhìn thấy ngôi nhà mơ ước, đừng nghĩ về nó như thể thứ gì đó bạn sẽ có trong tương lai. Hãy tưởng tượng bạn đã có ngôi nhà ấy ngay bây giờ - chứ KHÔNG PHẢI tại một thời điểm nào khác trong tương lai NẾU bạn có đủ tiền.
Tìm kiếm giá trị lớn hơn
Một cách khác để làm tăng cảm xúc là tưởng tượng ra nhiều hơn những gì bản thân bạn được hưởng. Khi mường tượng được sống trong ngôi nhà mơ ước, tất nhiên bạn sẽ cảm thấy hạnh phúc, mãn nguyện. Thế nhưng, không dừng lại ở đó, hãy tưởng tượng các con của bạn thích thú thế nào khi được vui đùa trong khu vườn rộng, vợ/chồng bạn vui vẻ ra sao với phòng khách trang hoàng, tiện nghi và gia đình, bạn bè thích thú, tán thưởng thế nào khi cảm nhận được sự ấm áp cùng vẻ đẹp của ngôi nhà mới.
Khi tham gia làm từ thiện, hoặc khi tặng quà người bạn yêu thương, bạn có thấy vui không?
Hãy nhớ những gì chúng ta tìm hiểu về cảm xúc. Cảm xúc là cách tâm hồn chỉ dẫn bạn đi đúng hướng. Cảm xúc về một điều gì đó sẽ mách bảo bạn nên hay không nên làm một điều gì đó. Cảm xúc tích cực chỉ ra rằng, bạn đang dần tiến tới điều gì đó mà bạn mong muốn.
Vì thế, khi thực hành “mường tượng sáng tạo”, bạn hãy nhìn vào cả lợi ích của người khác. Gia đình, con cái, người thân, bạn bè – càng nhiều người càng tốt. Khi nhìn thấy nụ cười và niềm hạnh phúc rạng ngời trên gương mặt của người khác, bạn sẽ có thêm những cảm xúc tích cực, từ đó khiến quá trình đạt được thứ mình muốn nhanh hơn và suôn sẻ hơn.
Trên đây là tất cả nội dung của bước 3 - Mường tượng sáng tạo. Đầu tiên là việc vận dụng các giác quan, kế đến là “huy động” cảm xúc và nhìn ra lợi ích của những người khác khi mình đạt được mục tiêu.
Toàn bộ tiến trình này mất khoảng 5-20 phút, tùy vào khả năng của mỗi người.
Bước 4: Hành động dứt khoát
Một khi bạn đã xác định được thứ mình muốn, suy ngẫm kỹ càng, và mường tượng sáng tạo, bước tiếp theo là bắt đầu dọn đường cho ước nguyện tương lai ấy sớm đến với bạn. Chìa khóa chính là HÀNH ĐỘNG.
Hãy nói rằng bạn đã suy ngẫm và mường tượng về một ngôi nhà mới. Bây giờ, hãy làm một điều gì đó – bất cứ điều gì – giúp bạn tiến gần tới mục tiêu. Nếu bạn chưa biết chính xác bạn cần phải làm những gì, không sao cả! Kể cả nếu bạn chưa có năng lực tài chính để mua ngôi nhà ấy, cũng không thành vấn đề. Quan trọng là bạn phải giữ được sự tập trung, tin tưởng rằng bạn sẽ đạt được nó và hành động.
Napoleon Hill nói:
“Đừng chờ đợi một kế hoạch đầy đủ, chi tiết, mà hãy bắt đầu ngay lập tức bằng việc hình dung cảm giác của bạn khi sở hữu đồng tiền, đòi hỏi và mong đợi. Từ đó, tư duy tiềm thức của sẽ giúp hình thành kế hoạch mà bạn cần”.
Hãy phân tích quan điểm trên. Ý của Hill là: khi bạn đang cố gắng kiếm tiền, mua một ngôi nhà hay bất cứ thứ gì ban muốn, ĐỪNG lo lắng nếu bạn chưa chắc chắn bạn cần hành động ra sao. Hãy bắt đầu bằng việc hướng mọi suy nghĩ về mục tiêu và câu trả lời bạn tìm kiếm – hành động bạn cần làm sẽ đến với bạn.
Hành động đó có thể bắt nguồn từ một suy nghĩ tình cờ, ngẫu nhiên, hoặc là một sự đúc rút từ quá trình suy ngẫm, hay sau khi nghiền ngẫm một cuốn sách, cũng có khi ý tưởng lóe lên từ câu nói của một người bạn … Và còn vô vàn những khả năng khác nữa. Con đường nó đến thế nào không quan trọng. Hãy tin rằng, câu trả lời sẽ đến.
Edison có câu nói nổi tiếng: “Ý tưởng bước ra từ vũ trụ. Điều này nghe có vẻ hoang đường, khó tin, nhưng đó là sự thật”.
Edison đang muốn đề cập tới yếu tố trực giác. Ông khẳng định, hầu hết những ý tưởng đến với ông đều thông qua trực giác. Bên cạnh đó, Edison cùng đồng tình với các quan điểm của Hill thể hiện trong cuốn sách “Think and Grow Rich”.
Để nhanh chóng tạo ra một trường ý tưởng, và giữ bạn ở trạng thái tập trung vào mục tiêu, biện pháp rất đơn giản – bạn cần phải có hành động dứt khoát nào đó.
Hãy làm một điều gì đó – hoặc bất cứ thứ gì khiến bạn tiến tới mục tiêu của mình. Hãy bắt đầu tìm kiếm những ngôi nhà rao bán trên báo chí. Hãy bắt đầu ngắm nghía những sản phẩm nội thất mới (kể cả khi bạn chưa tìm được ngôi nhà ưng ý). Hãy trao đổi với các nhân viên bất động sản, tìm kiếm trên mạng,…
Một hành động dứt khoát có thể tạo ra những điều kỳ diệu thông qua luật hấp dẫn, giúp bạn một lần nữa kiểm định, liệu bạn đã làm đúng những gì mình muốn hay chưa. Đừng lo lắng - hãy sống cuộc sống của bạn, và hành động dựa trên niềm tin về những gì bạn cho là đúng.
Quy trình 4 bước
4 bước này là nền tảng của quá trình vận dụng Luật hấp dẫn vào cuộc sống của bạn.
Hãy tiếp tục hành trình. Nhiều điều thú vị đang chờ đón bạn ở bài học tiếp theo.

19 tháng 3, 2011

Cây cảnh trong nước và thế giới (1)

              Cây cảnh ở Sa Đéc:
              Nằm bên dòng sông Tiền, làng cây cảnh Sa Đéc (trước đây là làng hoa Tân Quy Đông, Đồng Tháp) được biết đến là làng nghề truyền thống lâu đời. Sau những thăng trầm, làng hoa Sa Đéc suy yếu rồi lại hồi sinh và phát triển mạnh mẽ từ thập niên 90 trở lại đây.
              Thị xã Sa Đéc (tỉnh Đồng tháp) có hơn 1.500 hộ trồng hoa, cây cảnh với trên 1.000 chủng loại cây cảnh khác nhau, tạo nên một nét riêng độc đáo rực rỡ sắc màu bên con sông Tiền. Bình quân mỗi ha trồng cây cảnh thu lãi hơn 200 triệu đồng/năm. Sa Đéc trồng cây cảnh với qui mô ngày càng nhiều không chỉ phục vụ trong dịp Tết mà là sản xuất quanh năm phục vụ mọi đối tượng. Hoa và cây cảnh Sa Đéc không chỉ mang lại nguồn lợi kinh tế cao cho địa phương mà đây là nơi thu hút nhiều du khách trong nước, nước ngoài đến tham quan du lịch. Riêng nhu cầu phục vụ tết hàng năm, làng cây cảnh Sa Đéc có trên 2 triệu giỏ hoa kiểng, nhiều nhất là hoa hồng, cúc mâm xôi, vạn thọ, thược dược, mãng đỉnh hồng chiếm từ 40-50%. Chị Phạm Thị Liễu, một nông dân có nhiều năm trong nghề trồng hoa, cây cảnh ở Tân Quy Đông cho biết: với diện tích gần 2 ha đất, chị thu lợi hàng năm trên 200 triệu đồng, đủ trang trải trong gia đình, nuôi con ăn học và có của dư của để tích lũy. Anh Trần Văn Sơn ở ấp Khánh Hòa, thôn Tân Khánh Đông, chuyên trồng cây xương rồng: móc câu vàng, móc câu hồng, khế xanh, khía ba màu, kim hổ, nanh heo. Anh trồng chỉ có 500m2 đất nhưng mỗi tháng bán trên 500 cây với giá 6.000-10.000 đ/cây. Ở Sa Đéc có những ngôi nhà như một “cung điện bình dân”, cây cảnh bốn mùa khoe sắc. Đặc biệt là có nhiều vườn cây cảnh nổi tiếng của các nghệ nhân Ngô Văn Hay, Hai Ký, Tư Mạnh, Bảy Chùa có hàng trăm chủng loại cây cảnh cổ quí hiếm, có từ 50 đến 150 năm tuổi như cần thăng, kim quýt, mai tứ quí, mai vàng, khế … Những loại cây này đã được uốn với đường nét khá độc đáo theo các thế: xung phong, mẫu tử, hoặc tam tòng - tứ đức … trên chót là 3 nhánh nhỏ tiêu biểu cho Nhật - Nguyệt - Tinh. Nhánh kiểng phải “hô, ứng”, nhánh này nghinh thiên, nhánh kia yểm địa … Bên cạnh cây cảnh là hoa, hàng ngày làng hoa Sa Đéc đã xuất từ hàng chục xe hàng hoặc chuyên chở bằng tàu, ghe các loại đưa đi khắp mọi miền đất nước và sang tận Campuchia.


              Anh Trần Văn Thăng - Hội Sinh vật cảnh Sa Đéc cho biết: Trước giải phóng 30/4/1975, ở đây chỉ có 30-40 hộ trồng cây cảnh, nay đã lên hàng ngàn hộ. Điều mà người dân trồng cây cảnh Sa Đéc hiện nay quan tâm nhất là có sự tác động của khoa học kĩ thuật về ghép lai tạo giống, làm cây cảnh bonsai nghệ thuật… Cây cảnh truyền thống ở Sa Đéc, một thứ hàng hóa đặc thù, không chỉ hiệu quả về kinh tế, mà bao hàm cả văn hóa, nghệ thuật, thẩm mĩ, bảo vệ môi trường sinh thái, và Sa Đéc trong tương lai không xa sẽ trở thành một điểm du lịch lí thú mang sắc thái độc đáo riêng của vùng sông nước Cửu Long”.


              Một tương lai sáng sủa cho làng cây cảnh Sa Đéc khi nơi đây vừa được các Hội Sinh vật cảnh bình chọn là con chim đầu đàn về sản xuất hoa tươi và là một “vựa cây cảnh” lớn nhất đồng bằng sông Cửu Long. Tuy có hơn 176 ha trồng cây cảnh hiện nay, nhưng nơi đây đã giải quyết việc làm cho gần 3.000 lao động. Hàng năm Sa Đéc cung cấp cho thị trường trong nước và nước ngoài hơn 8 triệu giỏ hoa và hơn 20 ngàn chậu cây cảnh các loại; doanh thu hàng năm từ nghề trồng cây cảnh đạt hơn 29 tỷ đồng, qua đó đã góp phần đáng kể trong chỉ tiêu tăng trưởng kinh tế của thị xã. Những năm gần đây, nhiều hộ trồng cây cảnh còn mua về nhiều giống mới của các nước Thái Lan, Đài Loan, Trung Quốc.


              Tỉnh Đồng Tháp đã lập dự án xây dựng “Làng cây cảnh Sa Đéc” năm 2010 có tổng diện tích là 300 ha, xây dựng phương án chọn lọc, bảo tồn và phát triển các loại cây cảnh bản địa đặc thù; ứng dụng công nghệ sinh học vào việc nhân giống, lai tạo giống mới, đưa nghề trồng cây cảnh trở thành một trong những nghề sản xuất tiềm năng.


              Do quá trình đô thị hóa và nhiều hoạt động lễ hội khắp nơi trên cả nước, cùng với sự phát triển của đời sống thị thành đã vực dậy sức sống ở làng hoa Sa Đéc. Do hoa cho nguồn thu cao gấp 3 - 5 lần trồng lúa, người dân chuyển từ đất trồng lúa, trồng cây ăn trái ... sang trồng hoa. Làng hoa thật sự nhộn nhịp từ khoảng tháng 11 đến rằm tháng Chạp hằng năm, trên bến dưới thuyền, người mua, người bán tấp nập, hàng chục xe tải ra vào nơi tập kết hoa mỗi ngày. Hàng triệu giỏ hoa được chuyển đi khắp mọi miền của đất nước. Anh Út To, một hộ trồng hoa ở Sa Đéc, cho biết: “Hiện nay, hoa Sa Đéc đã đi khắp nơi, xâm nhập vào kinh đô hoa Đà Lạt, vào những lễ hội hoa …”. Thật vậy, hoa Sa Đéc đã tỏa đi khắp nơi từ miền Tây, lên Sài Gòn, ra miền Trung, đến miền Bắc.


              Ngay từ trước năm 1975, hoa ở Tân Quy Đông đã xuất sang Campuchia, Lào. Hiện nay, ngoài hai thị trường này, còn mở rộng sang Trung Quốc. Riêng dịp Tết Canh Dần 2010, hoa Sa Đéc được xuất khẩu sang Đài Loan với mặt hàng cúc mâm xôi. Giờ đây, người trồng hoa ở Sa Đéc đã tận dụng từng tấc đất quanh nhà, những khoảng đất trống cặp đường đi, bờ đê ... để trồng hoa. Du khách nước ngoài về miền Tây luôn dành nhiều thời gian lưu lại làng hoa để chụp ảnh và tìm hiểu nghề truyền thống ở địa phương. Từ đó, hình ảnh làng hoa Sa Đéc được đưa đi khắp nơi trên thế giới; nhiều tấm ảnh của làng hoa được du khách nước ngoài gởi tặng người thân, bạn bè.


              Cư dân làng hoa Sa Đéc thích ứng rất nhanh với thị trường, vươn ra thế giới để tìm những giống hoa mới mang về đây trồng. Ngay từ những năm 1990 - 1995, nông dân Sa Đéc đã đến các vùng cấy mô, ươm cây ở Singapore, Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Thái Lan ... để tìm hiểu kỹ thuật, chọn những giống mới và chấp nhận mua với giá cao. Ông Nguyễn Văn Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Sinh vật cảnh thị xã Sa Đéc, tỉnh Đồng Tháp, cho biết: “Người trồng hoa ở đây, có người đi ra nước ngoài tìm hiểu kỹ thuật, mua giống hoa mới đến 3 - 4 lần mỗi năm. Họ tự mua vé máy bay đáp xuống các vùng nghiên cứu hoa và thăm dò, chọn cho mình những giống cây ưng ý. Trên 150 năm thăng trầm của làng hoa, mười năm nay mới có giống ngoại nhập do nông dân tự tìm tòi. Đó được xem là bước ngoặt lớn của nghề và người trồng hoa Sa Đéc”. Còn anh Tống Thiện Hồng, người “phát pháo” đầu tiên cho phong trào ra nước ngoài mua giống hoa ở làng hoa Sa Đéc, cho biết: “Chuyến đi đầu tiên của tôi là theo tua du lịch thông thường. Sang bên đó, tôi tách đoàn và thuê hướng dẫn riêng để đến các vườn hoa kiểng. Chuyến đi ấy, tôi chỉ mang về được một giống mới vì giá khá cao và chưa biết khả năng thích ứng thời tiết ở đây như thế nào. Giờ khác rồi, trong vườn của tôi luôn có ít nhất 10 giống mới, có khi 20 - 30 giống mới. Thỉnh thoảng, tôi lại phải bay sang Thái Lan, Singapore ... để tìm giống mới, mỗi năm 3 - 4 chuyến. Có những chuyến đi tốn kém, chẳng chọn được giống nào nhưng vẫn phải đi”...


              Câu chuyện về những giống mới ở làng hoa Sa Đéc vừa được đặt tên tại Việt Nam hứa hẹn tiềm năng lớn trên thị trường hoa trong vài năm tới. Một giống cây mới nhập về Việt Nam mất từ 6 tháng đến một năm để xếp loại, đặt tên, và mất thêm 1 - 2 năm, thậm chí 3 năm để nhân giống trước khi đưa ra thị trường. Những cái tên vừa đặt đã tung vào dịp Tết Canh Dần 2010, như: Mai Vạn Phúc, Vạn Lộc, Phú Qúi, Thịnh Vượng, Tuyết Trắng, Liễu Hồng ... Các giống hoa mới hiện nay đều gắn với tài lộc, thịnh vượng. Theo những chuyên gia hoa kiểng, chỉ cần 2 - 3 trong số 10 giống mới bán chạy trên thị trường được xem như thành công của người làm giống hoa. Bởi có những giống nhập về, nhân giống 3 năm trời nhưng khi tung ra thị trường lại bán không được và đành bỏ hết công sức, tiền của. Do vậy, nếu tính toán không kĩ, và không đủ khả năng thẩm định các chi tiết trên cây, nhà vườn rất dễ phá sản bởi các giống mới.


              Tại làng hoa Sa Đéc hiện có đến trên 200 giống kiểng nội thất và vài ngàn giống hoa các loại. Có những cây chưa được đặt tên tại Việt Nam . Tiêu chí đầu tiên đối với các nhà vườn là cây phải thích ứng với môi trường nhiệt đới; kế đó mới đến các đặc điểm, màu sắc. Vườn nhà của anh Tống Thiện Hồng hiện có rất nhiều giống mới, nhưng anh cho biết một số giống phải 2 năm nữa mới cho ra thị trường, do việc nhân giống hiện còn nhiều khó khăn và cần nghiên cứu rất nhiều. Tết Canh Dần 2010, anh Út To, một hộ trồng hoa ở Sa Đéc đã đưa ra thị trường giống cây mới - Tuyết Trắng và được nhiều khách hàng đặt mua bởi vẻ đẹp trên từng gân lá của loại cây dùng trong trang trí nội thất này. Theo phản ánh của nhiều hộ kinh nghiệm lâu năm trong nghề trồng hoa Sa Đéc, một số giống mới được du nhập về làng hoa Sa Đéc hiện tại là những giống đã “lỗi mốt” ở nước bạn, do muốn nhập giống mới, nhà vườn phải bỏ ra hằng trăm triệu đồng. Điều này vượt quá khả năng của hộ trồng cá thể, nên nhiều hộ chấp nhận mua giống với giá vài triệu đồng, cao lắm cũng chỉ 10 triệu đồng về nhân giống, miễn sao là giống mới tại thị trường Việt Nam.


              Tìm ra giống mới là nỗi khát khao của người trồng hoa Sa Đéc, họ luôn muốn có một phòng thí nghiệm, cấy mô ngay tại làng hoa của mình. Từ đó để đặt mục tiêu xa hơn, là làng hoa sẽ sản xuất theo hướng công nghiệp và trở thành điểm đến lí tưởng cho du khách, cho sinh viên nghiên cứu về hoa nhiệt đới. Người trồng hoa Sa Đéc vẫn đau đáu tìm hướng đi cho mình, bởi khả năng, tiềm lực tài chính có hạn. Theo kế hoạch của tỉnh Đồng Tháp, từ nay đến năm 2025, ngân sách tỉnh sẽ đầu tư hệ thống thủy lợi, điện, xây dựng trung tâm nghiên cứu giống, phòng thí nghiệm cấy mô, hỗ trợ sinh viên địa phương theo học chuyên ngành về nghiên cứu hoa phục vụ tại chỗ ... trên 80 tỉ đồng để phục vụ phát triển của làng hoa. Mục tiêu của địa phương là phát triển làng hoa Sa Đéc theo hướng công nghiệp, ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật mới vào sản xuất các giống hoa, cây cảnh nhiệt đới phục vụ trong nước và xuất khẩu. Theo kế hoạch, diện tích trồng hoa tại đây vào năm 2015 là 300 ha, năm 2020 là 500 ha, năm 2025 là 600 ha. Đây sẽ là bước đệm để người trồng hoa Sa Đéc thực hiện ước vọng của mình, hướng đến những mô hình trồng hoa công nghiệp đạt giá trị cao và vươn xa hơn trên thị trường.


              Làng hoa Đà Lạt:
             
              Đà Lạt được bác sĩ Yersin khám phá vào năm 1893 và nhanh chóng trở thành một đô thị nghỉ dưỡng phát triển bậc nhất Đông Dương ngay từ thập niên 20 của thế kỷ trước. Cùng với nghề làm khách sạn, nghề trồng hoa nhanh chóng được hình thành từ năm 1938. Sau 70 năm tròn, Đà Lạt không hổ danh là thành phố hoa của Việt Nam . Nhưng con đường đi tới “ngôi hậu” của khu vực ASEAN cho ngành xuất khẩu hoa Đà Lạt vẫn còn dài và không chỉ trải toàn hoa hồng.


              Về làng hoa Hà Đông, nằm cách trung tâm TP hơn 2km. Đây chính là làng rau, hoa đầu tiên ở Đà Lạt vào năm 1938 khi người Pháp cho di trú người dân ở các làng hoa Nghi Tàm, Quảng Bá (ngoại thành Hà Nội) vào phố núi lập nên ấp Hà Đông chuyên trồng hoa, rau. Trong số hơn 345 hộ thì có đến 65% người dân sống bằng nghề sản xuất rau, hoa.


              Ông Nguyễn Đình Binh (80 tuổi), một người có hơn nửa thế kỷ gắn bó với nghề trồng hoa, trầm ngâm một lát rồi nói: “Trước đây trồng hoa là nghề mang lại sự thịnh vượng, ổn định cho kinh tế gia đình vì phần lớn hoa sản xuất được đều bán cho người Pháp và triều đình Huế lúc bấy giờ. Phương pháp canh tác cũng khá đơn giản, giống cũng tự tay người trồng ươm, phân bón chủ yếu là phân hữu cơ ủ từ cây dã qùi”. Nghề trồng hoa ở Hà Đông giờ đã đến thế hệ thứ ba như anh Trần Văn Thành (31 tuổi, cư ngụ 32 Xô Viết Nghệ Tĩnh).


              Nếu trước đây, trồng hoa coi như ăn chắc, không phải chịu rủi ro như mặt hàng rau nhưng từ 2 năm qua cũng phải chịu sức ép dữ dội của cơn sóng lạm phát. Anh Thành cho rằng: “Ngày nay, nghề trồng hoa khá bấp bênh vì phải đầu tư nhiều (nhà kính, hệ thống tưới tiêu nhỏ giọt) thêm vào đó giá phân bón, nông dược tăng cao nếu không gặp thời, giá hoa rớt thì lỗ trắng tay, tiền thu được không đủ trả tiền thuê nhân công”.


              Theo anh Nguyễn Văn Tới – một người con của Đà Lạt và có nhiều năm gắn bó với các chương trình khuyến nông cây hoa (hiện là Giám đốc Trung tâm Nông nghiệp Đà Lạt), từ 1985 đến 1995 có thể coi là giai đoạn trở mình của ngành trồng hoa phố núi với phong trào “nhà nhà trồng lan, người người trồng lan” xuất khẩu sang các nước thuộc Liên Xô và Đông Âu với 3 loại hoa chính là địa lan, hoa lys trắng và lay – ơn với tổng sản lượng khoảng 26 triệu cành. Tuy nhiên, phải đến năm 1995 thì nghề trồng hoa Đà Lạt mới chính thức “bùng nổ” với sự xuất hiện của làng hoa công nghiệp Dalat Hasfarm (100% vốn nước ngoài). Chỉ với diện tích ban đầu 2 ha, làng hoa này đã cho ra đời nhiều sản phẩm hoa cắt cành và hoa chậu phong phú về chủng loại giống, rực rỡ về màu sắc và chất lượng cao đã làm thay đổi hẳn tư duy của người trồng hoa. Ngay lập tức, nhiều giống hoa cúc mới của Dalat Hasfarm đã được nhà vườn đưa vào sản xuất, cùng với phương pháp “thắp đèn sưởi ấm cho hoa” đã cung cấp ra thị trường hàng chục loại hoa cúc khác nhau vào dịp tết. Thu nhập của người trồng hoa cũng tăng vọt đã kích thích người dân mở rộng diện tích hoa cắt cành ở làng hoa Thái Phiên, Trạm Hành, Đa Thiện.


              Điển hình của quá trình vươn lên mạnh mẽ để đưa thương hiệu hoa Đà Lạt bay xa phải kể đến làng hoa hồng Vạn Thành. Với 20 hộ dân tỉnh Hà Nam Ninh (cũ) vào đây lập làng từ giữa thế kỷ XX, đến năm 1960 thì người dân chuyển hẳn từ rau sang trồng hoa. Từ đầu thập niên 90 của thế kỷ trước, nơi đây được biết đến như là nơi cung cấp hoa hồng cắt cành chủ yếu của TP Đà Lạt. Hiện có khoảng 200 hộ chuyên canh 100 ha hoa, trong đó 90% là cây hoa hồng, cung ứng cho thị trường hoa cao cấp nội địa và một phần xuất khẩu với doanh thu đạt bình quân 400 – 500 triệu đồng/ha.


              10 năm qua, ngành trồng hoa Đà Lạt đã có sự tăng trưởng vượt bậc so với 60 năm trước đó cả về diện tích, sản lượng và cả quy mô canh tác. Nếu năm 1995 mới có 85 ha thì 10 năm sau đã tăng gấp 5 lần và năm 2008 này đã lên tới hơn 700 ha, trong đó khoảng 650 ha nhà kính tập trung ở các phường 12, phường 5, 11, phường 8, 7.


              Trong năm 2007 tỉnh Lâm Đồng (chủ yếu là Đà Lạt) đã xuất khẩu 65 triệu cành, kim ngạch đạt 9 triệu USD. Ngoài “ông kẹ” Dalat Hasfarm chuyên sản xuất hoa tươi cắt cành xuất khẩu lớn nhất ở Việt Nam và vài đơn vị có vốn đầu tư nước ngoài thì gần đây xuất hiện Công ty CP Công nghệ sinh học rừng hoa Đà Lạt (CPCNSHRH) với 100% vốn đầu tư trong nước. Năm 2008, công ty đã xuất được vào thị trường Nhật khoảng 1 triệu cành hoa sấy khô với 3 loại hoa chính là hồng, cẩm chướng và cẩm tú và dự kiến năm 2009 sẽ xuất khẩu 2 triệu cành, mở ra một hướng đi mới rất hứa hẹn. Qua thống kê sơ bộ, vụ hoa Tết 2009 các doanh nghiệp và bà con nhà vườn Đà Lạt đã chuẩn bị khoảng 20 triệu củ giống lys, tăng gấp đôi so với vụ tết trước…


              Tuy nhiên, về cơ bản thị trường cho cây hoa vẫn là một bài toán nhiều nghiệm đang cần có đáp án. 6 tháng đầu năm, toàn tỉnh Lâm Đồng (trong đó phần lớn ở Đà Lạt) đã xuất khẩu 19,77 triệu cành hoa các loại, thu về 4,77 triệu USD, so với sản lượng mới chiếm khoảng hơn 4% đã nói lên tất cả … Theo anh Trần Đình Sơn, Giám đốc Công ty CPCNSHRH và cũng là người con Đà Lạt, thị trường hoa tươi, giống hoa cao cấp, hoa tươi sấy khô rất rộng mở và dù tiềm năng của ngành trồng hoa đang được đánh thức, đang “bùng nổ” nhưng phần lớn nông dân vẫn loay hoay với bài toán thị trường. Vì vậy, điều cần thiết cho vùng hoa Đà Lạt lúc này là cần các chương trình xúc tiến đầu tư tìm thị trường cụ thể cho cây hoa từ khu vực ASEAN đến các quốc gia xa hơn ở Đông Á, Trung Đông, châu Âu và cả thị trường Mỹ. Hiện chất lượng hoa do nhà vườn cung cấp khá chênh nhau nên cũng cần có các bộ tiêu chuẩn xuất khẩu áp dụng cho từng loại hoa để giúp nông dân quen dần với tư duy thị trường, đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu.


              Cây cảnh ở Gò Vấp, TP. HCM:
             
             
            Danh gọi “Làng Hoa Gò Vấp” có từ bao giờ, những gia đình nghệ nhân lâu đời về cây cảnh - những con người gắn liền với thăng trầm của một làng nghề truyền thống nơi đây nhớ rất rõ. Theo các nghệ nhân, nguồn gốc có làng hoa ngày nay là do thú chơi tao nhã của người xưa ngay từ khi đến vùng gò cao này khẩn hoang lập nghiệp. Rồi nhờ điều kiện “thiên thời, địa lợi, nhân hòa” của vùng đất có nguồn nước trong mát, ngọt ngào, thú vui đã chuyển thành nghề có thu nhập, tạo nên công ăn việc làm cho bao gia đình. Trải qua hàng trăm năm, trồng hoa và làm cây cảnh với đủ thế dáng có thu nhập cao đã trở thành một nghề truyền thống mang tính uyên bác đầy tài năng, thể hiện vẻ đẹp nghệ thuật trong tâm hồn vốn yêu thiên nhiên của người dân Gò Vấp, khiến nơi đây trở thành vùng cung cấp cây cảnh chủ lực cho TP.HCM.


              Một năm chỉ có ba tháng xuân và hoa thường được nở đẹp nhất vào những ngày tết, nhưng người Gò Vấp thì dường như thấy tiết xuân quanh năm bởi bốn mùa hoa nở khắp làng hoa, mùa nào hoa nấy. Dường như ở đâu có giống hoa gì thì ở Gò Vấp cũng có và hiện có tới hơn 200 loại. Chuyện cơm áo của nghề đòi hỏi phải nhập thường xuyên các giống cây mới có giá trị kinh tế cao, nên càng làm cho làng nghề thêm trường tồn và phát triển bền vững.


              Hoa Gò Vấp qua sự mở rộng làm ăn của các gia đình làm nghề đã du ngoạn không chỉ trong thành phố mà còn đến khắp các vùng miền đất nước, ra cả Hà Nội trang trí cho các văn phòng hiện đại, các khách sạn cao cấp, thậm chí giao lưu với cả những xứ sở nổi tiếng về hoa trên thế giới như Pháp, Hà Lan, Đài Loan, Singapore, Nhật, Bỉ, Anh, Thụy Sĩ … Các nhà sản xuất hoa của nước bạn thường đặt mối hợp tác với các nghệ nhân Gò Vấp trong việc sản xuất, cung cấp giống và cây cảnh quí hiếm. Từ cách đây mấy chục năm, nghệ nhân Tư Tịnh - Phường 11 đã có khoảng 2.000m2 vườn kiểng ngay tại làng hoa mà vẫn không đủ so với nhu cầu đặt hàng của bạn. Mỗi năm bác Tư xuất khẩu khoảng 10.000 cây giống và thành phẩm (cần thăng, sao đỏ, cau dừa, thiên tuế …) sang Pháp và một số nước Châu Á quanh ta. Do vậy nguồn cây của bác luôn dồi dào và có dự tính chiến lược nhiều năm. Người nghệ sĩ trồng hoa thường là phải chịu khó thu mua từ khắp các nơi, tìm kiếm tận miền Tây, miền Đông, ra cả những cánh rừng miền Trung nắng gió, những nơi thậm chí chưa từng có ai đến để đem về những chủng loại, kiểu dáng lạ. Sau đó với đôi tay khéo léo, uốn tỉa, tạo dáng và chăm sóc, ít là vài năm, nhiều là hàng chục năm để có được những chậu kiểng bonsai tuyệt mĩ, giá trị có thể tính bằng vàng mới mua nổi. Cả những loài hoa và cây tưởng chỉ sống được ở xứ lạnh, khi đưa về ta, các nghệ nhân hoa Gò Vấp vẫn có thể làm cho nó sinh sôi nảy nở, không “bất đồng” xứ sở chút nào!


              Lực lượng nghệ nhân cây cảnh Gò Vấp rất đông đảo, có truyền thống lâu đời với trên một trăm nhà vườn cây cảnh chuyên nghiệp, và gần hai trăm nhà vườn bán chuyên nghiệp. Vườn ông Lý Hùng từng có cây thiên tuế 180 tuổi, vườn ông Huỳnh Văn Thân có cặp Cần Thăng trên 120 tuổi, vườn ông Đỗ Văn Quế có cặp sộp trên 110 tuổi, vườn nhà ông Địa Quýt có loại Địa Lan cao gần 3m và hàng trăm chậu hoa Sứ độc đáo với danh gọi là “Hoa hồng sa mạc”. Ông Lê Bạch Quang với những chậu Xương Rồng lạ mắt đã từng đem về cho Gò Vấp trên 70 huy chương các loại từ các hội thi hoa, trưng bày sản phẩm hoa của Thành phố và cả nước. Ông Lê Văn Tịnh có cây khế bonsai trên 100 tuổi và là người say mê tạo các giống bonsai xuất khẩu. Nhà ông Tám Giáp thì như một khuôn viên lá màu đủ loại. Ông Hai Minh thì lại có đủ loại Hoa Giấy, Thiên tuế. Giáo Tú thì đi sâu “lĩnh vực” bonsai kiểng khô tinh xảo, ông Năm Gấm thì trồng đại trà cúc đồng tiền đủ màu. Sân kiểng nhà bác Chín Lê thì giống như khu trưng bày những vần thơ Đường luật bằng sinh vật cảnh …


              Ngắm vườn kiểng bonsai của nghệ nhân làng hoa Gò Vấp, dùng chữ “đẹp” chưa hết nghĩa và đẹp cỡ nào thì còn tùy nhận xét của mỗi người. Với riêng tôi, nên thêm vào cụm từ “độc đáo” như một nét riêng của Gò Vấp. Độc đáo dáng cây, chủng loại, cách chăm bón, và hơn cả là sự độc đáo của ý thức giá trị nghệ thuật và phương thức làm ăn kinh tế. Nghệ nhân và những người làm hoa Gò Vấp không giấu nghề, có bao nhiêu bí quyết đều sẵn lòng phổ biến, tự tin vào sự phát triển của làng nghề, chính là mong có nhiều người biết làm giàu từ hoa như mình. Bất cứ ai đến thăm vườn của các nghệ nhân đều bắt gặp sự “thảo lòng” gần gũi của chủ nhân. Nếu có ai quyết tâm làm nghề đến học hỏi, các nghệ nhân vừa là người hướng dẫn kỹ thuật, vừa là người cung cấp giống và cũng đồng thời là người bao tiêu sản phẩm, thậm chí sẵn sàng giúp cả vốn không lãi cho đến khi bán được sản phẩm thì mới trả lại. Tất nhiên không phải tất cả ai cũng theo được đến cùng, bởi nghề nó đòi hỏi phải có một tình yêu đến độ đam mê, kiên trì và chịu khó, và cũng cần có chút năng khiếu nghệ thuật để khai thác chất liệu nâng cấp ngày một đẹp hơn, cũng như đáp ứng thị hiếu ngày càng cao hơn của khách thập phương.


              Từ mùa xuân 2006 - năm đầu tiên của 5 năm thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ Quận khóa IX đề ra, một trong 5 công trình kinh tế - xã hội đòn bẩy cho Quận phát triển, đó là thực hiện mục tiêu “xây dựng Trung tâm Làng Hoa”, đã tạo điều kiện cho người trồng cây cảnh phát triển theo qui mô tập trung, một dự án kinh tế có tầm vóc chiến lược lâu dài, khai thác tiềm năng dồi dào của một làng nghề truyền thống, để tiếp tục là một vùng trọng điểm về cây cảnh của thành phố. Gò Vấp đang bước vào xuân với niềm tin mới: quê hương đang giàu hơn nhờ nghề trồng cây cảnh, làm đẹp thêm cho vùng đất vốn giàu truyền thống lịch sử đấu tranh cách mạng của thành phố.

Nguồn: Chat Master